Thứ hai, 13/01/2025

Phân biệt mụn trứng cá và các bệnh lý giống mụn

Mụn trứng cá là một bệnh lý rất thường gặp với độ lưu hành lên đến 80-90% trong độ tuổi dậy thì và tiếp tục là một vấn đề thường gặp của da sau độ tuổi thanh thiếu niên. Mụn có thể làm cho người bệnh giảm tự tin của bản thân, thậm chí gây trầm cảm, ảnh hưởng đến năng suất làm việc và khả năng nghề nghiệp, chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Biểu hiện lâm sàng của mụn trứng cá thay đổi tuỳ theo mức độ nặng của bệnh và có thể dễ dàng nhầm lẫn với một số bệnh lý khác của da. Bài viết sau đây của BSCKI. Ninh Vũ Hoàng Tuấn từ Phòng khám Da liễu Doctor Acnes sẽ giúp chúng ta phân biệt mụn trứng cá và các bệnh lý da khác có biểu hiện lâm sàng tương tự mụn trứng cá.

1. Biểu hiện lâm sàng của mụn trứng cá

Mụn trứng cá thường được gọi đơn giản là mụn, đây là một bệnh da liễu liên quan đến tuyến bã nhờn tại nang lông của da. Mụn trứng cá có sang thương đa dạng, bao gồm sang thương viêm và sang thương không viêm. Vị trí thường gặp nhất của mụn là mặt, sau đó ít hơn là ngực, lưng, vai. Các nhà lâm sàng cũng thường căn cứ vào biểu hiện viêm của sang thương để phân loại mụn thành 2 nhóm chính: nhóm mụn trứng cá có sang thương không viêm và nhóm mụn trứng cá có sang thương viêm.

Nhóm mụn trứng cá có sang thương không viêm có biểu hiện đặc trưng là nhân mụn (comedon), trong đó nhân mụn là sự tắc nghẽn chất bã trong nang lông, có thể ở tình trạng mở (comedon mở hay mụn đầu đen) hay đóng (comedon đóng hay mụn đầu trắng), có nghĩa là nang lông được mở rộng hay đóng trên bề mặt da. Nhân mụn có thể được dễ dàng đẩy ra từ nang lông mở nhưng rất khó để loại bỏ khỏi nang lông đóng.

Về hình thái, mụn đầu đen (comedon mở) có tính chất phẳng hoặc chỉ nhô nhẹ lên trên bề mặt da với trung tâm là nút sẫm màu, kích thước 1mm. Trong khi đó, mụn đầu trắng (comedon đóng) là những sẩn nhỏ màu trắng ngà hay trùng với màu da, kích thước 1-2 mm, nhô nhẹ và khó nhận ra nếu nhìn không kỹ, có thể dễ nhìn thấy hơn khi căng da.

Mụn đầu đen (comedon mở) - Mụn đầu trắng (comedon đóng)

Mụn đầu đen (comedon mở) – Mụn đầu trắng (comedon đóng)

Nhóm mụn trứng cá có sang thương viêm được chia thành các phân nhóm tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng:

  • Sẩn hồng ban, có thể tiến triển dần thành mụn mủ trên bề mặt.
  • Mụn mủ: thường là sự tiến triển từ các sang thương sẩn, thường có vùng viêm xung quanh, màu trắng đục.
  • Nốt, cục: sưng, chắc, một vài nốt tạo thành nang ở sâu, các cục sâu có thể hóa mềm tạo ra áp xe, sau đó để lại sẹo xấu sau khi lành.
  • Đường hầm: hình thành do nhiều nang tiến triển hòa lẫn vào nhau, là dạng tổn thương nặng của mụn trứng cá.
 Sẩn viêm trong mụn trứng cá - Mụn trứng cá với các tổn thương sẩn, nốt, nang

Sẩn viêm trong mụn trứng cá – Mụn trứng cá với các tổn thương sẩn, nốt, nang

2. Một số bệnh lý giống mụn trứng cá và cách phân biệt

Trên lâm sàng có một số bệnh lý có biểu hiện giống mụn trứng cá như được liệt kê sau đây. Lưu ý rằng các hướng dẫn này không nhằm thay thế chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa da liễu trong trường hợp một bệnh nhân cụ thể cần tìm kiếm sự điều trị khi mắc các vấn đề về da tương tự.

  • Phát ban mụn trứng cá do thuốc: phát ban đơn dạng giống trứng cá do corticoide, phenytoin, lithium, isoniazid… chỉ có sẩn đỏ nhỏ và mụn mủ mà không có nhân mụn.
    Phát ban mụn trứng cá do dexamethasone - Phát ban mụn trứng cá do sử dụng isoniazid

    Phát ban mụn trứng cá do dexamethasone – Phát ban mụn trứng cá do sử dụng isoniazid

  • Viêm nang lông: đặc trưng bới các sẩn viêm, mụn mủ quanh nang lông ở vùng da có lông tóc.
  • Dày sừng nang lông: biểu hiện là các nốt sẩn kích thước 1-2 mm ở má, phần trên cánh tay, không có sẩn viêm hay mụn mủ.
Dày sừng nang lông

Dày sừng nang lông

  • Trứng cá đỏ: là rối loạn viêm mãn tính dạng trứng cá của nang lông tuyến bã ở mặt kèm theo sự gia tăng hoạt động của vi mạch dẫn tới đỏ da và giãn mạch. Về biểu hiện lâm sàng, da mặt vùng trán, mũi, mí mắt, tai và cằm có những sẩn, mụn mủ nhỏ đỏ, giãn mạch đối xứng nhưng lại không có nhân mụn, lâu dần có thể có mũi lân, trán dô, phì đại vành tai, cằm.
  • Viêm quanh miệng: thường gặp ở phụ nữ trẻ, biểu hiện với vùng da quanh miệng, mắt có sẩn nhỏ và sẩn mụn nước nhỏ trên nền hồng ban.
Viêm quanh miệng

Viêm quanh miệng

Mụn trứng cá là một bệnh lý rất thường gặp ở mọi độ tuổi và giới tính, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì. Trong đó nhân mụn là một đặc điểm không thể thiếu để chẩn đoán mụn trứng cá. Tuy nhiên vì biểu hiện lâm sàng của mụn trứng cá dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác của da nên khi gặp phải các vấn đề về da, bác sĩ khuyên chúng ta không nên tự chẩn đoán và điều trị tại nhà. Thay vào đó hãy đến các phòng khám chuyên khoa da liễu hoặc bệnh viện da liễu để được thăm khám và điều trị đúng bệnh đúng phương pháp với các bác sĩ chuyên khoa.

Nguồn: https://thaythuocvietnam.vn/