|
Trại an dưỡng thương binh, bệnh binh đầu tiên
Chúng tôi lên Lục Ba (Đại Từ, Thái Nguyên) – nơi phát tích Ngày Thương binh liệt sỹ 27-7-để hiểu thêm về những năm tháng ý nghĩa đó và câu chuyện về người phụ nữ không tiếc sức, tiếc của, nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh.
Trước khi về Lục Ba, chúng tôi đã tìm hiểu tài liệu về Di tích lịch sử An dưỡng đường số 1 của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Trong tài liệu nêu rõ: Cơ sở này được thành lập vào tháng 6/1947 đến năm 1953 (tức là thành lập trước ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7/1947).
Ngày thành lập An dưỡng đường số 1 được tổ chức rất trọng thể. Tới dự lễ có các ông: Trần Huy Liệu, Văn Tiến Dũng và một số cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô. Đêm đến, có liên hoan đốt lửa trại, có cả đội quân nhạc do nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Trại có nhiệm vụ tiếp nhận những thương binh, bệnh binh tàn phế, bệnh tật nặng hết khả năng chiến đấu, hay ốm đau không đủ sức làm việc cần phải nghỉ ngơi dài hạn.
Bà Nguyễn Thị Đích, (thường gọi là Bà Bá Huy) là Bí thư Hội phụ nữ Cứu quốc xã Lục Ba đã ủng hộ 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu, huy động dân làng làm 10 gian nhà tre, gỗ, sắm sửa đồ dùng và lập nên An dưỡng đường số 1. Nhà bà cũng là nơi Phòng Thương binh làm việc. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng đến nhà bà ăn ở, làm việc. Vì thế, An dưỡng đường số 1 còn được gọi là An dưỡng đường bà Bá Huy. Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng gắn liền với nguồn gốc ra đời ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7.
Ngày Thương binh – Liệt sỹ đầu tiên (27/7/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen bà Bá Huy. Bức thư này đăng trong sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 (1947 – 1949), NXB Chính trị quốc gia, H.2000, trang 177. Nội dung bức thư như sau:
“Thưa bà, Tôi nhận được báo cáo rằng bà đã hăng hái giúp đất ruộng, trâu bò, thóc lúa và tiền bạc để lập một An dưỡng đường cho thương binh.
Tôi rất lấy làm vui lòng.
Anh em thương binh đã hy sinh xương máu, để giữ gìn Tổ quốc, bà đã hy sinh tiền của để giúp đỡ anh em thương binh. Như thế là bà đã giúp sức vào công việc giữ gìn Tổ quốc. Như thế là bà đã làm kiểu mẫu cho đồng bào thực hành cái khẩu hiệu: “Có tiền giúp tiền, có sức giúp sức/Đồng tâm hiệp lực, kháng chiến thành công”.
Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà, và ngợi khen bà. Đồng thời tôi cũng cảm ơn các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể nam nữ đồng bào ở vùng đó, đã giúp công, giúp của với bà, để lập nên an dưỡng đường “BÀ BÁ HUY”. Tôi mong bà cùng toàn thể đồng bào vùng đó sẽ luôn luôn chăm nom giúp đỡ các thương binh“.
Ngày 27 tháng 7 năm 1947
Hồ Chí Minh.
Con trai út bà Bá Huy kể về cuộc đời người mẹ
Xã Lục Ba nằm bên Hồ Núi Cốc. Đến đây, hỏi đến xóm Trại Ngò, nơi có di tích lịch sử Anh dưỡng đường số 1, chúng tôi thấy một tấm bia trơ trọi bên rặng tre, cây mít. Hỏi đến nhà cụ Bá Huy – nơi nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong kháng chiến chống Pháp đã qua lại nghỉ chân – nay đã bị ngập dưới lòng hồ Núi Cốc.
Bàn thờ cụ Bá Huy và người chồng quá cố đặt tại nhà người con út là ông Trần Đình Tỉnh, năm nay đã hơn 80 tuổi. Ông Tỉnh kể: “Sau khi kháng chiến thành công, gia đình tôi bị quy là địa chủ bóc lột. Khi ấy, mẹ tôi là Đảng viên, bị đấu tố, thoát chết nhưng bị tịch thu toàn bộ tài sản, bị khai trừ khỏi Đảng. Vì thế, sau này, chúng tôi cũng phải chịu nhiều thiệt thòi. Bố mẹ tôi có 9 con cháu đi bộ đội, 2 người là liệt sĩ nhưng con cháu cụ không ai được đứng trong hàng ngũ của Đảng, vì lý lịch mang “tỳ vết” con nhà địa chủ”.
Ảnh: Ông Trần Đình Tỉnh (thứ 3, bìa trái sang) con út cụ Bá Huy |
Chính quyền và người dân xã Lục Ba đều xác nhận, cụ Bá Huy giàu có một cách chính đáng. Vì không chịu lấy lẽ tên Chánh tổng, bà đã bỏ đi đến thôn Thái Lai (Mê Linh, Vĩnh Phúc) theo nhóm thợ cấy thuê, qua huyện Đại Từ gặp ông Trần Đình Tích cũng là người đi cày thuê, cùng cảnh nên duyên chồng vợ. Do chịu khó làm lụng và biết làm ăn và tiết kiệm nên có vốn liếng dần dần thành người giàu có trong vùng.
Ông Tỉnh cho biết thêm: “Từ năm 1955, thực hiện sửa sai, mẹ tôi được minh oan nhưng không được cơ quan nào làm thủ tục phục hồi quyền lợi chính trị và ghi công mẹ tôi. Năm 1987, khi mẹ tôi tròn 85 tuổi và cũng là kỷ niệm 40 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH có cử đoàn cán bộ về thăm. Sau đó, bố tôi đã về Hà Nội gặp ông Lê Thành Ân là quyền Trưởng phòng Thương binh thời lập An dưỡng đường số 1. Bố tôi còn gặp được Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị để chuyển lời cảm ơn. Chỉ thế thôi đủ động viên gia đình sau nhiều năm mang đầy tâm trạng ẩn ức. Tuy nhiên, hai tháng sau mẹ tôi quy tiên.
Hiện nay, “An dưỡng đường bà Bá Huy” đã được UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đảng bộ và Nhân dân xã Lục Ba được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Với tập thể đã vậy, với cá nhân, thiết nghĩ nhà nước cũng nên vinh danh, truy tặng bà Bá Huy, người đã có công lập trại an dưỡng thương binh, bệnh binh đầu tiên.
Nguồn: tamnhin.net