Thứ sáu, 29/03/2024

Đặng Quốc Vinh với bài thơ “Tìm nửa của mình”

Những bài thơ hay thường được viết vào những năm tuổi trẻ của các thi sĩ. Điều đó đúng với nhiều trường hợp, trong đó có trường hợp Đặng Quốc Vinh với bài thơ tình “Tìm nửa của mình”. Bài thơ hay đến nỗi đã có lúc có người nhầm là của… Puskin.

Tôi đi tìm cái nửa của tôi

Nhưng tìm mãi đến bây giờ chưa thấy

Nửa của tôi ơi, em là ai vậy

Sao để anh tìm, tìm mãi tên em?

***

Chiều dần buông thành phố vào đêm

Sân cỏ, hàng cây từng đôi ríu rít

Họ may mắn hơn tôi hay họ không cần biết

Nửa của mình hay nửa của ai ?

***

Tôi đi tìm cái nửa của tôi

Và có thể suốt đời không tìm thấy

Nếu chẳng còn em, tôi đành sống vậy

Không nhặt nửa của ai làm nửa của riêng mình

***

Cái na ná tình yêu thì có trăm ngàn

Nhưng đích thực tình yêu chỉ duy có một

Nên nhiều lúc nhầm tưởng mình đã gặp

Nửa của mình nhưng nào của mình đâu!

***

Không phải của mình, không phải nửa của nhau

Thì Thượng đế ơi đừng bắt tôi lầm tưởng

Bởi tôi biết khổ đau hay sung sướng

Là đúng sai trong tìm nửa của mình

***

Tôi đi tìm em, vâng tôi đã đi tìm

Và có lẽ trên đời này đâu đó

Em cũng đi tìm… tìm tôi như thế

Chỉ có điều là chưa nhận ra nhau!

Vinh, 1988

dang quoc vinh voi bai tho tim nua cua minh

Sự tích đàn bà là một nửa của đàn ông (một nửa của mình) được ghi trong Sáng thế ký của Kinh Thánh như sau: Giê-hô-va Đức Chúa Trời dựng nên trời, đất; lấy bụi đất nặn ra người đàn ông là A-đam , thổi sinh khí vào lỗ mũi, biến thành một người sống. Ðoạn, Giê-hô-va Ðức Chúa Trời lập ra vườn Ê-đen (Vườn Địa đàng), ở về hướng Ðông, và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó, khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; Giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác và các dòng sông như Bi-sôn, Ghi-hôn, Hi-đê-ke…. Một hôm, Chúa làm cho A-đam ngủ mê, rồi bèn lấy một xương sườn, tạo ra một người đàn bà, tên là Ê-va. A-đam nói rằng: “Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là đàn bà, vì nó do nơi người đàn ông mà có. Bởi vậy cho nên người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt”. “Một nửa của mình” do đó trở thành một thành ngữ phổ biến toàn thế giới chỉ người yêu, người vợ/người chồng đích thực tâm đầu ý hợp, sinh ra là của nhau, cho nhau. Nhân loại cũng từ đó đi vào cuộc phiêu lưu “tìm nửa của mình” nhưng không dễ mấy ai tìm được!

Tôi không biết chàng sinh viên Văn khoa Sư phạm Vinh Đặng Quốc Vinh đi tìm một nửa của mình từ khi nào. Chỉ biết đến năm 1988, khi đã ra trường, khi đã 26 tuổi, thì vẫn chưa tìm thấy. Về trường cũ, thấy:

Chiều dần buông thành phố vào đêm

Sân cỏ, hàng cây từng đôi ríu rít

Chàng không có tâm thế của nhà thơ Việt Phương “Ta đi yêu người ta yêu nhau mà lại có vẻ gì bực bội với mình, bực bội cả với họ: Chắc gì đó là “nửa của mình” mà ríu rít? Chàng thấy mình trong sáng, mơ mộng, tài giỏi, biết yêu đây, chờ đợi tình yêu để hiến dâng đây, tôi – một người đặc biệt đây, mà sao chẳng có người yêu; cái nửa kia có hay không vậy? Thế là chàng nghi ngờ cả Thượng đế. Chàng không trách sự kém cỏi của mình, lại trách ầm lên “nửa kia” sao mà chậm chạp, sao giờ này không đến? Thậm vô lý, vô duyên! Ấy vậy mà cái vô duyên, vô lý ấy lại tạo nên cái duyên và sự hấp dẫn đặc biệt của bài thơ. Tôi gõ google tên bài thơ “Tìm nửa của mình” của Đặng Quốc Vinh ngày 27-1-2018 nhận được 566 000 kết quả trong 0,51 giây! Một bài thơ có hiệu ứng thật lớn. Bài thơ đã gõ vào đúng tâm trạng của những anh “kém yêu” như Đặng Quốc Vinh!

Những anh đang say, đang yêu (ở đây là mang tâm trạng tình yêu) không có cách nói năng và tư duy theo một trật tự của lô-gich hình thức. Thích gì nói nấy. Đang nói chuyện này nhảy sang chuyện kia. Tức nói những điều bức xúc, chợt lóe. Tự nhiên, chẳng ai biết Đặng Quốc Vinh là ai, đứng giữa TP Vinh bảo: “Tôi đi tìm cái nửa của tôi”! Ấy vậy mà người ta lại chấp nhận. Người ta còn tưởng Đặng Quốc Vinh là Pu-skin! Trên trang mạng https://vi-vn.facebook.com/thohay/posts/878279665592866 ngày 23 tháng 7/ 2015 tuyển chọn trang thơ hay, trong đó có bài “Tôi Đi Tìm Một Nửa Của Riêng Tôi” đề tác giả là… Puskin với khổ đầu khác một chút với nguyên bản của Vinh:

Tôi đi tìm cái nửa của tôi

Tìm mãi đến bây giờ chưa thấy

Người yêu của tôi ơi, em là ai vậy

Em tên gì, sao không thể nói tên…

Chủ trang Thảo nguyên xanh https://vannhannguyen.wordpress.com/2013/10/12/toi-di-tim-mot-nua-cua-toi-tho-puskin) viết: “Chiều mưa thứ 7, sau 1 ngày học tập căng thẳng (thi mà ), chỉ muốn chạy nhảy, đá banh đá cầu để mà vắt hết mồ hôi cơ thể. Đó là điều tốt nhứt với mình lúc này. Nhưng trời lại mưa, ôi, sao mình ghét mưa chiều thế nhỉ, lại là chiều thứ bảy nữa chứ !!!

Lang thang facebook, chợt đọc được 1 bài thơ của anh Đặng Quốc Vinh (2017 edited, trước cứ tưởng của Puskin), hay quá :). Thật ra thì mình thích luận và tiểu thuyết hơn, thơ thì ít ham lắm. Nhưng chợt thấy hay vì có lẽ, phải chăng mình cũng giống bài thơ này chăng ?!?

Vậy cái hay của của bài thơ nằm ở những đâu? Trước hết, thuộc về Tuổi trẻ, thuộc về Tình yêu. Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất của đời người; Tình yêu nam nữ là điều bản chất nhất, tốt đẹp nhất của con người. Nếu bắt đầu bằng một điều, giữ lại chỉ một điều – thì đó là Tình yêu Adam và Eva. Bài thơ của Đặng Quốc Vinh, từ đề tài, ý tứ đến câu chữ đều toát lên tiếng gọi tha thiết của tình yêu và hướng tới một tình yêu đích thực, tuyệt đối:

Tôi đi tìm cái nửa của tôi

Và có thể suốt đời không tìm thấy

Nếu chẳng còn em, tôi đành sống vậy

Không nhặt nửa của ai làm nửa của riêng mình.

Một tình yêu lý tưởng như vậy là hướng vọng của cả nhân loại, đặc biệt của những lớp trẻ mới lớn.

Bài thơ bắt đầu từ thất vọng, từ cái “tôi” rất riêng như tách khỏi mọi người – cái này nó cao diệu lắm, nó tạo ra sự chân thực tuyệt đối, tạo ra được cái dộc đáo. Mà trong nghệ thuật, không độc đáo nghĩa là không có gì. Kết thúc lại trở về với “em” – cái nửa kia của tác giả – nhưng có một cặp, đã tạo nên sự nhân văn, sự khái quát. Đây lại thêm một định lý nữa: Nghệ thuật chỉ là nghệ thuật khi đem lại cho con người niềm tin vào cuộc sống, sáng tạo nên những giá trị nhân văn. Đặng Quốc Vinh đã lập được “cú đúp” khi hướng bài thơ vào nửa bên kia:

Tôi đi tìm em, vâng tôi đã đi tìm

Và có lẽ trên đời này đâu đó

Em cũng đi tìm… tìm tôi như thế

Chỉ có điều là chưa nhận ra nhau!

Chưa nhận ra nhau, rồi sẽ nhận ra nhau! Không hiểu Đặng Quốc Vinh đã – sẽ tìm được “nửa của mình” khi nào, ở đâu; nhưng ngay ở bài này, tôi cho rằng anh đã tìm thấy mình là một thi sĩ; hơn thế, vinh quang hơn là thi sĩ của tình yêu, thi sĩ của tuổi trẻ!

Điều này tôi cũng không thấy gì là lạ. Không chỉ vì Đặng Quốc Vinh là sinh viên Văn khoa, anh còn là hậu duệ của Danh nhân Đặng Tất, Đặng Dung. Đặng Dung là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, chí phục quốc và đã để lại Cảm hoài, một áng thơ bất hủ vằng vặc như vầng trăng, bén nhọn như thanh kiếm mài sắc lòng yêu nước cho muôn thế hệ đời sau:

Thù nước chưa đền, đầu sớm bạc

Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà!

Nhà thơ Đặng Quốc Vinh sau này là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Chuyện áo mũ ngoại thân, chuyện phân công tổ chức tôi không bàn. Tôi biết và quý anh là người có trái tim yêu thương con người, khát khao lẽ phải và sự công bằng. Cầu cho trái tim ấy luôn khỏe mạnh, không bệnh tật để tiếng thơ anh được cất lên trong trẻo, vang xa. Tôi nhớ anh có câu thơ Mai rồi hết cuộc ruổi rong/ Cho tôi xin được về trong đất làng. “Làng” cụ thể là làng Hồng Lộc, Can Lộc (nay là Lộc Hà), Hà Tĩnh; nhưng “đất làng” trong tính biểu tượng, tượng trưng cho những gì thân thiết, cao đẹp, ấm áp… thì mong anh luôn có trong lòng. Chân Tiên ở đây. Mà Rú Bin, Rú Bể, Ông Đùng ở đây! Và Mẹ cũng ở đây, người Mẹ mà anh thấy “cả trời yêu thương”, thấy “Bao nhiêu điều hơn thiệt/ Bỗng nhỏ bé vô cùng” như trong thơ anh từng thể hiện.

Nguồn: https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/